Mô hình homestay giúp nhiều đồng bào dân tộc thiểu số “đổi đời”

30/07/2021 09:55

(DTTG) Ở không ít thôn, bản nơi đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, người dân làm du lịch không chỉ giúp nâng cao đời sống, mà còn góp phần quan trọng bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó phải kể đến mô hình homestay (du lịch cộng đồng).

Khai thác thế mạnh từ điều kiện sẵn có của người bản địa, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS để làm du lịch cộng đồng, qua đó giúp bà con tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo là hướng đi đúng mà nhiều địa phương đã chọn, và bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Nhiều đồng bào DTTS đã “đổi đời” khi thành công với mô hình homestay.

Du lịch hiện trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh. Nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn trong tỉnh đã được khai thác, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt tại một số huyện miền núi, đồng bào DTTS đã phát triển mô hình homestay giúp bà con cải thiện cuộc sống.

Người dân tộc Tày huyện Bình Liêu, Quảng Ninh biểu diễn hát then phục vụ khách du lịch
Người dân tộc Tày huyện Bình Liêu, Quảng Ninh biểu diễn hát then phục vụ khách du lịch

Homestay A Dào tại thôn Phạt Chỉ, xã Đồng Văn, là một trong những điểm lưu trú được nhiều du khách lựa chọn khi đến Bình Liêu, Quảng Ninh. Anh Tằng Vằn Dào, chủ Homestay A Dào, cho biết: "Nhận thấy những tiềm năng về du lịch của vùng đất Bình Liêu, được sự động viên của chính quyền địa phương, gia đình đã xây dựng Homestay A Dào với mong muốn vừa tăng thêm thu nhập, vừa giới thiệu, quảng bá với du khách thập phương những nét đẹp văn hóa dân tộc mình".

Vài năm gần đây, du lịch đã trở thành một trong những hướng đi trọng điểm của huyện Bình Liêu. Nhiều người dân đã tham gia vào các dịch vụ, du lịch cộng đồng, như mở nhà hàng ăn uống, trình diễn các các tiết mục văn hóa dân tộc truyền thống (thêu thùa, may vá, trò chơi dân gian, hát then, đàn tính...). Du khách đến Bình Liêu cảm nhận được nét mộc mạc, gần gũi trong cách ứng xử, tiếp đãi của người dân nơi đây.

Hiện tại, nhiều đồng bào DTTS tại các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh như Ba Chẽ, Móng Cái, Tiên Yên, Đầm Hà, Hạ Long… cũng tích cực làm du lịch. Bằng việc khai thác các lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực đặc trưng và nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, những năm gần đây du lịch cộng đồng trong đồng bào các dân tộc tại địa phương phát triển mạnh mẽ.

Với lợi thế riêng, nhiều bản làng người Tày tại tỉnh Tuyên Quang cũng đã gặt hái được nhiều thành công với mô hình du lịch cộng đồng. Đồng bào dân tộc Tày ở đây đã cải tạo ngôi nhà sàn truyền thống để làm du lịch homestay. Cách làm này bước đầu đã tạo sức lan tỏa và được du khách thích thú trải nghiệm.

Các làng du lịch homestay đã và đang hình thành phải kể đến như: Homestay Bản Ba, xã Trung Hà (Chiêm Hóa); homestay Nà Khá, xã Năng Khả (Na Hang); homestay xã Thượng Lâm (Lâm Bình); homestay thôn Bó Củng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa)... Mỗi nơi một cách làm, song tựu chung lại đều là cải tạo ngôi nhà truyền thống, khai thác tiềm năng thế mạnh về văn hóa, du lịch, ẩm thực và bản sắc của mỗi dân tộc. Nhờ vậy, homestay mỗi nơi đều mang dấu ấn của mỗi bản làng, mỗi cộng đồng dân tộc.

Khuôn viên đẹp là điểm cộng để homestay Nà Khá, xã Năng Khả (Na Hang, Tuyên Quang) hút khách
Khuôn viên đẹp là điểm cộng để homestay Nà Khá, xã Năng Khả (Na Hang, Tuyên Quang) hút khách

Homestay Nà Khá, xã Năng Khả (Na Hang) mới nổi lên trong thời gian gần đây bởi không gian nghỉ dưỡng xanh. Tận dụng ưu thế cây nhà lá vườn (vườn bưởi, chanh, cam), 11 hộ đã chỉnh trang, tạo lối đi thông thoáng để du khách tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt, ở đây còn có vườn thanh long được chọn làm vườn mẫu nông thôn mới tạo thêm điểm thư giãn lý tưởng. Du khách đến đây dịp này đều vô cùng thích thú khi được tận tay hái những quả thanh long chín đỏ và thưởng thức miếng thanh long ngọt lịm, mát lành ngay tại vườn.

Ở vùng cao Lâm Bình, Tuyên Quang các cơ sở homestay lại xây dựng tua du lịch tham quan, khám phá mảnh đất vùng cao độc đáo. Đến đây, du khách sẽ được hóa thân thành cô gái Tày, Dao, Mông duyên dáng đến thăm, chụp ảnh với những vòng quay cọn nước; chekc in tại cánh đồng Thượng Lâm nổi tiếng, và đặc biệt là đi thuyền tham quan vùng hồ sinh thái Na Hang. Nơi đây còn là xứ sở của những món ngon nổi tiếng như thịt trâu khô, gà đồi, cá sông cùng nhiều loại rau rừng như giảo cổ lam, rau gai (rau hôi), bò khai, măng rừng… tha hồ cho du khách trải nghiệm ẩm thực phong phú của bà con vùng đồng bào DTTS nơi đây.

Nằm bên cạnh dòng sông Đăk Bla hiền hòa, cách trung tâm TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum khoảng chừng 3km, Kon Kơ Tu là làng đặc biệt khó khăn và xa nhất của xã Đăk Rơ Wa. Mặc dù mới được UBND tỉnh Kon Tum công nhận là làng du lịch cộng đồng tháng 7-2020, nhưng từ lâu người dân làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, TP. Kon Tum đã biết làm du lịch. Tuy nhiên, cách làm du lịch trước đây của người dân là tự phát, tức là du khách tìm đến đây bởi vẻ đẹp hoang sơ của ngôi làng, để ngắm nhìn ngôi nhà rông, trải nghiệm các nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm… của một vài hộ dân. Dần dà, nhận thấy nhu cầu khách muốn ở lại lưu trú để trải nghiệm nên một số hộ dân bắt đầu làm mô hình lưu trú Homestay.

Du lịch cộng đồng tại Kon Tum góp phần giúp người dân giữ gìn văn hóa truyền thống và nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo
Du lịch cộng đồng tại Kon Tum góp phần giúp người dân giữ gìn văn hóa truyền thống và nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo

Từ khi làm mô hình lưu trú Homestay nhận thức của bà con có sự chuyển biến, họ đã biết khai thác tiềm năng, lợi thế của du lịch, từ đó giảm bớt các hoạt động làm nông nghiệp để chuyển sang làm thương mại, dịch vụ. Khi tham gia vào làm du lịch cộng đồng người dân được hưởng lợi nhiều hơn, khi khách du lịch đến họ vừa có dịch vụ lưu trú, vừa tiêu thụ các mặt hàng sẵn có của người dân như gà, rau rừng, măng, cơm lam, rượu ghè, kết hợp đan lát… Đó là chưa kể điều kiện cơ sở hạ tầng được nhà nước quan tâm đầu tư, người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay để làm du lịch, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Theo Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 Làng Du lịch cộng đồng được UBND tỉnh công nhận gồm: Làng Du lịch cộng đồng Kon K’tu, Làng Du lịch cộng đồng Kon Klor (TP. Kon Tum); Làng Du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi (huyện Đăk Hà) và Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng Kon Pring (huyện Kon Plông). Ngoài ra, ở các huyện, TP trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển các điểm, làng du lịch cộng đồng để hỗ trợ, hướng dẫn người dân xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch.

Có thể nói, hoạt động du lịch cộng đồng trong thời gian qua tại nhiều địa phương đã có sức lan tỏa, tạo được sự đồng thuận trong người dân tham gia làm du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần ổn định đời sống của đồng bào các DTTS, là “cần câu cơm” để bà con vươn lên làm giàu trên chính quê hương của mình.

Thu Trang