Phát triển, nâng hạng các sản phẩm OCOP tạo sinh kế để giảm nghèo

06/09/2021 04:40

(DTTG) Mấy năm gần đây, người dân Chiêm Hóa, đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông... tỉnh Tuyên Quang trên địa bàn huyện đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm truyền thống, được công nhận OCOP 3/4 sao như: Lạc nhân Chiêm Hóa, bánh gai Chiêm Hóa, cam Hà Lang... Đây là tiền đề quan trọng để Chiêm Hóa, Tuyên Quang tiếp tục xây dựng, phát triển và nâng hạng các sản phẩm OCOP trong thời gian tới.

Bánh gai Chiêm Hóa, Tuyên Quang nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh.
Bánh gai Chiêm Hóa, Tuyên Quang nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh.

Bánh gai Chiêm Hóa là sản phẩm đặc trưng của địa phương và được bảo hộ nhãn hiệu tập thể năm 2017. Nhãn hiệu tập thể “Bánh gai Chiêm Hóa” được giao cho HTX nông lâm nghiệp Đồng Lộc, thị trấn Vĩnh Lộc quản lý và sản xuất. Năm 2020, sản phẩm bánh gai Chiêm Hóa đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đạt 4 sao.

Sản phẩm OCOP tạo sinh kế cho người dân

Bà Hoàng Thị Thảo, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Đồng Lộc cho biết, HTX có 7 hộ thành viên, trước đây nghề làm bánh gai của huyện vẫn còn nhỏ lẻ, quy mô gia đình, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, chưa gắn kết sâu vào chuỗi cung ứng sản phẩm. Do đó, HTX đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng nhãn hiệu tập thể "Bánh gai Chiêm Hóa".

Được biết, ngoài tiêu thụ trong tỉnh, năm 2020, HTX đã liên kết tiêu thụ sản phẩm tại 6 tỉnh, thành phía Bắc. Năm 2021, HTX phấn đấu nâng sản phẩm bánh gai Chiêm Hóa đạt tiêu chuẩn từ 4 sao lên 5 sao. Hiện, HTX đang tiến hành rà soát, đánh giá cơ sở sản xuất của một số hộ dân, trong đó có nhiều hộ là người dân tộc thiểu số cùng tham gia sản xuất bánh gai để phát triển thêm thành viên, mở rộng quy mô sản xuất, phấn đấu sớm đạt 5 sao.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang.

Thực tế, trong những năm trở lại đây, nhân dân các dân tộc Tày, Dao, Mông trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã đẩy mạnh mở rộng nhiều mô hình sản xuất, mở rộng các sản phẩm OCOP. Như ở xã vùng cao Hà Lang, chính quyền và nhân dân nơi đây đang tích cực đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, từ việc phát triển cây cam theo hướng sản xuất hàng hoá, đời sống vật chất của người dân nơi đây ngày một nâng lên.

Thổ nhưỡng phù hợp, cộng với sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông huyện, xã và nguồn vốn vay của Nhà nước, cây cam ngày càng phát triển. Hiện nay, Tổng diện tích trồng cam hiện có của xã Hà Lang là 64,8ha (trong đó cam sành 61,0ha; cam Vinh 3,8ha). Hiện địa phương có 30,4ha cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 35 tạ/ha. Sản lượng hàng năm đạt 1.060 tấn, giá trị đạt hàng năm 6 tỷ 360 triệu đồng.

Đây cũng là cây trồng được xã Hà Lang lựa chọn thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với từng bước xây dựng thương hiệu và đăng ký công nhận OCOP cho sản phẩm.

Sản phẩm cam sành Hàm Yên, Tuyên Quang đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Sản phẩm cam sành Hàm Yên, Tuyên Quang đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Gia đình anh Triệu Văn Lụ, thôn Phia Xeng có 6 nhân khẩu, trong đó chỉ có 2 lao động chính. Từ năm 2016, cùng với nhiều hộ gia đình khác trong thôn, anh đã cải tạo đất vườn, đồi tạp đưa cây cam sành vào trồng. Vừa trồng, vừa học hỏi kinh nghiệm, đến nay, anh đã trồng được trên 1.300 gốc cam với diện tích 2,3 ha, trong đó trên 700 cây đã cho sản phẩm. Năm 2020 cũng là năm đầu gia đình anh Lụ đã thu được những trái ngọt từ cây cam sành với trên 25 tấn quả, doanh thu đạt gần 70 triệu đồng.

Các sản phẩm OCOP đang giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo, trong đó phần lớn là người dân tộc thiểu số.
Các sản phẩm OCOP đang giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo, trong đó phần lớn là người dân tộc thiểu số.
Sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái của Hợp tác xã Sơn Trà (Na Hang) được bày bán tại Hội chợ Thương mại - Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2020.
Sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái của Hợp tác xã Sơn Trà (Na Hang) được bày bán tại Hội chợ Thương mại - Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2020.

OCOP nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Ông Ma Văn Mầm, Chủ tịch UBND xã Hà Lang cho biết, là địa phương có tới 99% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, xã luôn xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, việc phát triển các sản phẩm OCOP là một hướng đi triển vọng trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Từ năm 2016 đến nay, xã đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác dân vận, trực tiếp xuống thôn giải thích cho người dân hiểu. Từ đó, giúp người dân thay đổi tư duy và cách làm, nhân rộng các mô hình kinh tế, tạo sự lan tỏa, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Một số sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP của huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.
Một số sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP của huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.
Xã Sơn Phú (Na Hang, Tuyên Quang) lựa chọn sản phẩm chè Shan tuyết làm sản phẩm OCOP của xã.
Xã Sơn Phú (Na Hang, Tuyên Quang) lựa chọn sản phẩm chè Shan tuyết làm sản phẩm OCOP của xã.

“Kết quả, từ một địa phương có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 55% năm 2016, đến nay đã giảm xuống còn 19%, thu nhập bình quân toàn xã đạt trên 24 triệu đồng/người/năm. Năm 2021, xã phấn đấu giảm thêm 30 hộ nghèo để từng bước đạt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới”, ông Mầm cho biết.

Ông Ma Phúc Khứu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa cho biết, thực hiện Chương trình OCOP là giải pháp hiệu quả để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Huyện đã xác định đúng cây trồng chủ lực, đặc trưng của từng vùng để tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị, từ đó khuyến khích, tư vấn, hướng dẫn các xã đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị nông sản.

Tính đến thời điểm này, huyện Chiêm Hóa đã có 14 sản phẩm được tỉnh chứng nhận đạt OCOP 3 - 4 sao. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, huyện Chiêm Hóa có ít nhất 30 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên và có từ 2 đến 3 sản phẩm đạt 5 sao. Trong đó, duy trì, phát triển có hiệu quả 14 sản phẩm OCOP năm 2020 đã được công nhận 3 sao trở lên; xây dựng thêm 19 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên; phấn đấu có 3 - 4 sản phẩm OCOP nâng hạng đạt 3 sao lên 4 sao và có từ 2 - 3 sản phẩm nâng hạng 4 sao lên 5 sao.

“Để thực hiện mục tiêu này, huyện tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương phát triển các sản phẩm chủ lực, cơ sở hạ tầng, đảm bảo chuẩn hóa các tiêu chí sản phẩm OCOP và hoàn thiện nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận từ 3 sao trở lên. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm đã được công nhận, tạo điều kiện để các chủ thể OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân”, ông Khứu cho biết.

Cây có múi, một sản phẩm OCOP 3 sao của đồng bào dân tộc Mông ở xã Hà Lang, huyện Chiêm Hóa.
Cây có múi, một sản phẩm OCOP 3 sao của đồng bào dân tộc Mông ở xã Hà Lang, huyện Chiêm Hóa.

Tuấn Phong