Tuần Giáo – Điện Biên: Mắc ca khẳng định vị thế trên vùng đất “cửa ngõ”
(DTTG) Những năm gần đây, tỉnh Điện Biên đã đưa vào chương trình giảm nghèo một số giống cây trồng mới khá triển vọng. Trong đó cây Mắc Ca (Macadamia integrifolia) với các ưu điểm dễ trồng, giá trị kinh tế cao, có khả năng thích nghi tốt với vùng đất cửa ngõ Tuần Giáo đang góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững.
Những thành quả bước đầu
Xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo, là xã tiên phong trong triển khai thử nghiệm trồng cây mắc ca. Từ năm 2013 xã đã trồng thí điểm hơn 10ha; đến năm 2015 Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên đã trồng hơn 600ha mắc ca ở hầu hết các bản: Bó Giáng, bản Củ, Cang... Hiện xã Quài Nưa đã có trên 150ha cây mắc ca của Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên bắt đầu bói quả, sản lượng ước đạt từ 5kg/cây; riêng cây mắc ca trồng năm 2013 cho sản lượng ước đạt từ 10 - 15kg/cây.
![]() |
Huyện Tuần Giáo đã trồng được trên 1.600ha cây Mắc ca, chủ yếu ở các xã Quài Tở, Quài Nưa, Nà Sáy, Quài Cang và Chiềng Sinh. |
Ông Lù Văn Hiêng, Bí thư Đảng ủy xã Quài Nưa chia sẻ: “Trước đây, khi vận động bà con góp đất, trồng thử nghiệm cây mắc ca, tôi rất lo ngại sẽ thất bại. Thế nhưng, sau nhiều năm thử nghiệm, đến nay khi tận mắt chứng kiến mắc ca phát triển cho những lứa quả đầu tiên trĩu cành tôi rất vui mừng, phấn khởi. Hi vọng mắc ca sẽ trở thành cây trồng chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo, giúp bà con cải thiện nguồn thu nhập, ổn định đời sống”.
Ông Là Văn Tươi, xã Quài Nưa là một trong những người dân đầu tiên trên địa bàn quyết định thử nghiệm trồng mắc ca. Cách đây 8 năm, tận dụng diện tích đất đồi hoang hóa, bạc màu, ông đã cải tạo trồng thử nghiệm gần 1ha cây mắc ca. Với quyết tâm của mình, ông đã tham quan, học hỏi nhiều mô hình trong và ngoài tỉnh.
Ông Là Văn Tươi chia sẻ: Ngày mới trồng, tôi được hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, kiểm tra, theo dõi sát sao, cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Cây không tốn nhiều công chăm sóc, đầu tư, công lao động ít lại sinh trưởng, phát triển tốt và đầu ra rất thoải mái. Sau 5 năm cần cù chăm sóc, diện tích mắc ca đã bắt đầu ra hoa và cho lứa quả đầu tiên, sản lượng năm sau cao hơn năm trước. Đến năm 2020 trên diện tích gần 1ha, ông Tươi thu hoạch trên 4 tạ quả, xuất bán với giá 50 - 60 nghìn đồng/kg (quả tươi), mang lại thu nhập hơn 20 triệu đồng”.
Sau hơn 8 năm trồng thí điểm cây mắc ca tại huyện Tuần Giáo, đến nay hầu hết diện tích mắc ca đã cho thu hoạch. So với một số cây trồng khác thì hiệu quả kinh tế mắc ca mang lại cao hơn hẳn, chỉ sau 4-5 năm cây cho sản lượng quả tươi đạt khoảng từ 1,3 đến 1,5 tấn/ha và doanh thu từ năm thứ 7 trở đi có thể đạt gần 200 triệu đồng/1ha. Không những đem hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định, nhất là có bảo hiểm đảm bảo lợi ích cho người dân mà trồng cây mắc ca còn góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho đồng bào dân tộc địa phương, cải tạo môi trường.
Góp phần xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi núi trọc
Mắc ca là một loại cây trồng cho quả làm thực phẩm sinh học với hàm lượng dinh dưỡng rất cao, cung cấp nguyên liệu để phục vụ ngành công nghiệp chế biến ở nhiều nước trên thế giới. Theo thống kê, trong tổng số 1.400ha mắc ca đã trồng trên địa bàn huyện Tuần Giáo có khoảng 300ha bắt đầu có quả với tỷ lệ đạt gần 90%. Phía công ty cam kết sau khi thu hoạch người dân được hưởng 15%/giá trị 1kg quả tươi đã góp phần tạo niềm tin cho người dân góp đất về nguồn thu nhập từ cây mắc ca.
![]() |
Công nhân Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên chăm sóc diện tích cây mắc ca tại xã Quài Nưa. |
Để triển khai có hiệu quả dự án đầu tư, huyện Tuần Giáo tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các nội dung, chính sách hỗ trợ phát triển cây mắc ca; rà soát, bổ sung vùng trồng cây mắc ca tập trung vào quy hoạch nông thôn mới của các xã.
Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Hàng năm, huyện xác định vùng trồng mắc ca, nhu cầu của người dân để xây dựng dự án, lựa chọn giống phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng. Đến nay tại các xã Quài Nưa, Quài Cang đã trồng được 1.400ha mắc ca. Theo Đề án Phát triển cây mắc ca đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, huyện Tuần Giáo được quy hoạch trồng 2.000ha cây mắc ca; phía doanh nghiệp đang tập trung mở rộng diện tích trồng để đảm bảo theo quyết định đã được phê duyệt.
Lãnh đạo địa phương đánh giá, qua quá trình theo dõi, cây mắc ca trồng tại Tuần Giáo khá phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và khả năng phát triển tốt. Cây mắc ca là loài cây 3 trong 1 (công, nông, lâm) tuổi thọ hàng trăm năm, có thể trồng trên đất dốc, đất nương bạc màu. Đặc biệt, cây có khả năng hạn chế rửa trôi xói mòn đất, có thể trồng thành rừng phòng hộ với mật độ trên 400 cây/ha, phủ xanh đất trống đồi núi trọc góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và đem lại hiệu quả kinh tế ổn định. Dự án trồng mắc ca đã và đang góp phần mang lại hiệu quả thiết thực, giải quyết 3 bài toán khó đối với huyện cửa ngõ Tuần Giáo là “kinh tế - xã hội - môi trường”.
Từ những thành công bước đầu của cây mắc ca đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Tuần Giáo. Tác động tích cực tới đời sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Trong thời gian tới, ngoài Công ty Macadamia Điện Biên còn có nhiều công ty, doanh nghiệp lớn đang khảo sát dự án nghiên cứu trồng cây mắc ca và cây dược liệu cùng một số loại cây khác trên địa bàn huyện.
Tin tưởng rằng, với những thành công bước đầu từ cây mắc ca trên địa bàn huyện Tuần Giáo sẽ là tiền đề vững chắc, mở ra cơ hội để người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số có thêm tư liệu sản xuất, mang lại nguồn thu nhập cao. Từ đó, góp phần cùng với Ðảng bộ, chính quyền huyện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, góp phần tạo thêm sinh kế giúp người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững, khẳng định vị thế “hoàng hậu quả khô” trên vùng đất cửa ngõ.