Tân Uyên – Lai Châu: Dốc lực xây dựng OCOP

07/01/2022 03:13

(DTTG) Mặc dù có nhiều thế mạnh trong phát triển nông nghiệp khi có diện tích sản xuất lớn, là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây lương thực, thực phẩm, công nghiệp, ăn quả, lâm nghiệp và chăn nuôi nhưng đến nay huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu vẫn chưa có sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.

Huyện Tân Uyên là một huyện mới của tỉnh Lai Châu, được thành lập với nghị định số 4/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/10/2008 trên cơ sở điều chỉnh 90.326,75 ha diện tích tự nhiên và 42.221 người của huyện Than Uyên (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và người của các xã: Mường Khoa, Phúc Khoa, Nậm Sỏ, Nậm Cần, Thân Thuộc, Trung Đồng, Hố Mít, Pắc Ta, Tà Mít và thị trấn Tân Uyên).

Xác định sản xuất nông, lâm nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nên trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện đã lãnh, chỉ đạo, tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Huyện ủy Tân Uyên đã ban hành nghị quyết về sản xuất nông nghiệp hàng hóa; chính quyền các cấp, đẩy mạnh tuyên truyền Nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển. Từ đó nâng cao năng suất cho người nông dân, đồng thời đạt được mục tiêu có sản phẩm công nhạn đạt tiêu chuẩn OCOP riêng của vùng.

Sản phẩm ổi Phan Vinh đã được huyện xây dựng đạt chuẩn OCOP, hiện đang trình tỉnh thẩm định
Sản phẩm ổi Phan Vinh đã được huyện xây dựng đạt chuẩn OCOP, hiện đang trình tỉnh thẩm định

Với diện tích trồng lúa lên tới 690ha, trong đó vùng sản xuất tập trung khoảng 300ha, đến nay Tân Uyên đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm nếp khẩu ký, nếp tan co giàng. Đây chính là điều kiện thuận lợi để Tân Uyên xây dựng sản phẩm gạo đủ tiêu chuẩn đạt OCOP. Cây chè trong những năm gần đây được đánh giá là cây trồng có hiệu quả và có ý nghĩa lớn trong việc giảm nghèo bền vững. Người dân tích cực đầu tư thâm canh, chăm sóc, năng suất, sản lượng, chất lượng vùng chè không ngừng nâng lên. Nhãn hiệu “Chè Tân Uyên” cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Tính đến nay, huyện Tân Uyên đã có trên 1.430ha chè trồng mới với 5 nhà máy chế biến, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ý thức rõ về những tiềm năng đó, Tân Uyên đã tạo ra nhiều cú huých, dốc lực xây dựng sản phẩm OCOP. Ngay từ đầu năm, huyện Tân Uyên đăng ký 14 sản phẩm đạt OCOP trong năm nay, bao gồm: Gạo nếp khẩu hốc, gạo nếp tan co giàng, sản phẩm trà shan tuyết, chè Hoàng Liên, ổi, bưởi da xanh, thanh long Phan Vinh, hạt mắc-ca sấy, tinh dầu quế, dưa leo baby, mật ong, măng tây, xúc xích lợn, thịt lợn sấy, thịt trâu sấy.

Sản phẩm nếp Tan Co Giàng (huyện Tân Uyên, Lai Châu) bán trên thị trường
Sản phẩm nếp Tan Co Giàng (huyện Tân Uyên, Lai Châu) bán trên thị trường

Anh Ngọ Doãn Bình - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên thông tin rõ hơn về sản phẩm gạo: “Khẩu hốc là giống lúa nếp lần đầu tiên được trồng trên nương tại địa bàn xã Nậm Sỏ, sau này được người dân canh tác thêm trên chân ruộng 1 vụ lúa và sản lượng ngày càng được nâng lên, hiện nay đạt trên 30 tạ/ha. Nếp khẩu hốc hạt to, ngon nhất khi sử dụng nấu bánh chưng, có vị đậm đà. Còn đối với gạo nếp tan co giàng, đây là giống lúa có đặc điểm cây cao, trồng chủ yếu ở xã Pắc Ta, ngoài ra còn được trồng ở 2 xã Hố Mít, Trung Đồng. Hiện nay, toàn huyện Tân Uyên có trên 100ha với năng suất đạt tối đa 45 tạ/ha. Sản phẩm nếp tan co giàng đã chinh phục được khách hàng bởi đặc điểm hạt bóng, dẻo quánh và thơm ngon. Huyện đang hỗ trợ tối đa doanh nghiệp trong việc xây dựng nhà xưởng, bảo quản nông sản và bao tiêu sản phẩm”.

Từ năm 2016 đến nay, chỉ trong 5 năm, với lợi thế từ đất đai, nguồn lao động, giao thông thuận lợi, huyện Tân Uyên đã trồng mới được 99ha cây ăn quả, nâng tổng diện tích lên 300ha. Hiện nay, một số loại cây ăn quả như: Chanh leo, chuối, được doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết bao tiêu sản phẩm. Cây quế cũng được đưa vào trồng ước đạt 3.000ha. Cây mắc-ca trồng thuần và xen chè cho thấy đây là 2 loại cây lâm nghiệp rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của huyện và có nhiều triển vọng.

Thực tế, những sản phẩm chiết xuất từ quế thành tinh dầu, hạt mắc-ca trên địa bàn huyện Tân Uyên đã và đang rất “ăn khách”. Ngoài sản phẩm gạo, chè được huyện xây dựng đạt sản phẩm OCOP còn có các loại hoa quả như: Ổi, bưởi da xanh, thanh long Phan Vinh; hạt mắc-ca sấy; tinh dầu quế, dưa leo baby, mật ong, măng tây; xúc xích lợn, thịt trâu sấy, thịt lợn sấy.

Tân Uyên vào vụ hái chè: Người dân hân hoan trong niềm vui được mùa chè
Tân Uyên vào vụ hái chè: Người dân hân hoan trong niềm vui được mùa chè

Qua kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện đợt 1/2021, sản phẩm trà shan tuyết Than Uyên của Công ty Cổ phần Trà Than Uyên đạt cao nhất với 78,5 điểm, xếp hạng 4 sao, ngoài ra còn có 6 sản phẩm xếp hạng 3 sao và 1 sản phẩm xếp hạng 1 sao. Mặc dù còn phải trải qua quá trình thẩm định khắt khe của Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh song đối với sản phẩm trà shan tuyết Than Uyên của Công ty Cổ phần Trà Than Uyên sẽ không dừng bước trên con đường tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Theo lãnh đạo công ty, hiện nay đơn vị đang tích cực cải tiến mẫu mã, bao bì, mở đại lý cấp I phân phối trên thị trường 10 tỉnh, thành trong cả nước với chi phí 40% riêng cho công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm.

Hiện nay, UBND huyện Tân Uyên đang trình UBND tỉnh, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm đợt 1 để được công nhận. Huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện các tiêu chí OCOP còn yếu và thiếu; hỗ trợ phát triển sản phẩm đặc trưng của huyện. Đối với UBND các xã, thị trấn tiếp tục lựa chọn các chủ thể, các sản phẩm có lợi thế của địa phương để đăng ký tham gia đánh giá. Tăng cường tuyên truyền cơ chế, chính sách hiện hành, trình tự, thủ tục các bước hồ sơ để tham dự.

Thu Trang