Những vụ án hy hữu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

10/06/2022 03:38

(DTTG) Từ xưa đến nay, đồng bào các dân tộc ở vùng cao vẫn hay có thói thả rông gia súc, gia cầm trên núi. Và cũng từ thói quen này mà xảy ra quá nhiều chuyện bi hài.

Giám định ADN cho bò để giải quyết tranh chấp

Mới đây, một vụ án hy hữu đã xảy ra ở xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Tất cả bắt đầu từ thói quen chăn nuôi trâu bò bằng phương pháp... thả rông trong rừng của đồng bào nên đã đã phát sinh tranh chấp. Gia đình nào cũng đều nhận một con bò vàng là của nhà mình. Không ai chịu ai, thế là người tađành phải đưa bò đi giám định ADN và đẩy 2 gia đình vào vòng tố tụng.

Gia đình ông Nguyễn Thái B (SN 1948, ở thôn Ấp Tiến, xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê) có một đàn bò 6 con, trong đó có con bò cái gần 3 tuổi được ông yêu quý đặt tên là “chị đẹp”. Hằng ngày, đàn bò của ông B được thả vào rừng cùng với đàn bò của các hộ dân trên địa bàn, thỉnh thoảng gia đình mới vào kiểm tra và lùa bò về nhà nhốt chuồng.

Vì tranh chấp, ông B và anh L phải đưa bò đi... xét nghiệm ADN
Vì tranh chấp, ông B và anh L phải đưa bò đi... xét nghiệm ADN

Một lần, ông B lùa đàn bò vào rừng thả như thường lệ. Khoảng 10 ngày sau, bà T (SN 1960, vợ ông B.) ra đồng sớm thì thấy đàn bò nhà mình đã về ăn ở cánh đồng làng nhưng không có hình bóng “chị đẹp”. Mãi đến trưa, bà T mới tìm thấy nó khi anh Hồ Đức L (SN 1983, trú cùng thôn) đang dắt giữ ở bờ sông gần nhà.

Gia đình ông B yêu cầu anh L trả lại “chị đẹp” nhưng anh L không đồng ý. Mọi cuộc “thương thuyết” giành lại “chị đẹp” bất thành, gia đình ông B buộc phải làm đơn khởi kiện lên TAND huyện Hương Khê để đòi công lý.

Trong quá trình giải quyết tranh chấp, cả nguyên đơn và bị đơn đều thống nhất đưa “chị đẹp” đi… giám định ADN. Đây có thể được coi là 1 trong những cuộc giám định ADN hy hữu khi mà chi phí giám định lên tới 11 triệu đồng trong khi con bò đang tranh chấp chỉ cógiá trị khoảng 12-13 triệu đồng.

Và, sau khi làm xét nghiệm huyết thống từ mẫu ADN của “chị đẹp” và bò mẹ, do ông B cung cấp, cơ quan chức năng đã đưa ra kết luận: “Dữ liệu ADN cho thấy xác suất có mối quan hệ mẹ con là 99,99%”.

Tại phiên tòa, ông B trình bày cụ thể đặc điểm về nhân dạng, tháng tuổi của “chị đẹp”, hoàn toàn khớp với bản ảnh và video của “con bò đang tranh chấp” được Hội đồng xét xử đưa ra. Những người làm chứng đều khẳng định đó là bò của gia đình ông Nguyễn Thái B.

Trong khi đó, anh Hồ Đức L chỉ đưa ra được vài chi tiết là “con bò của anh màu vàng, có xoáy ở lưng”. Đặc biệt, theo anh L thì con bò này được anh mua vào tháng 11/2017, khi mới 6 tháng tuổi. Có nghĩa là tại thời điểm tranh chấp, con bò (giả định) của anh L chỉ mới hơn 1 tuổi, chưa bằng 1/2 tuổi của “chị đẹp”.

Đó là chưa nói, thời điểm mất bò của anh L và thời điểm tìm thấy cách nhau hơn 6 tháng, quãng thời gian quá dài để anh có thể “nhìn ra” con bò của mình. Trong khi đó, thời điểm thất lạc và tìm thấy con bò của gia đình ông B chỉ hơn 10 ngày. Đặc biệt, trong quá trình xảy ra tranh chấp, “con bò đang tranh chấp” (được địa phương giao cho anh L tạm quản lý - PV) đã 2 lần tách đàn, “rẽ” vão chuồng bò nhà ông B.

Trên cơ sở những căn cứ nói trên, Hội đồng xét xử TAND huyện Hương Khê đã tuyên: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Thái B; công nhận con bò tranh chấp thuộc quyền sở hữu của nguyên đơn, buộc anh Hồ Đức L trả bò lại cho ông B và chi phí giám định là 11.000.000 đồng.

Vậy là cuối cùng, ông B. cũng giành lại được quyền chăm sóc “chị đẹp”. Điều đáng nói là, cái quyền lợi chính đáng đó có được sau gần 1 năm tố tụng với biết bao thiệt hại về vật chất, thời gian của các bên liên quan và cơ quan chức năng. Nếu ngay từ đầu, các bên đều xác định bằng kinh nghiệm từ thói quen “trâu bò nhà ai về chuồng nhà nấy” thì “chị đẹp” đã không phải “đáo tụng đình”, không phải tham gia vào cuộc giám định ADN hy hữu.

Thẩm phán Nguyễn Thanh Tùng - người trực tiếp giải quyết vụ án cho biết, sau phiên tòa, các bên đương sự đều “tâm phục, khẩu phục”, chấm dứt tranh chấp. Tuy nhiên, điều tôi trăn trở là chi phí tố tụng giám định lớn hơn cả giá trị tài sản tranh chấp và bên thua kiện phải chịu mọi chi phí tố tụng trong khi điều kiện kinh tế của họ đều khó khăn”.

Có thể nói, tranh chấp trâu bò là vụ án vô cùng phức tạp, khó giải quyết do vật nuôi không có đặc điểm nhận dạng cụ thể và thường được chăn thả tự do. Bên cạnh đó, trâu bò là tài sản có giá trị kinh tế cao và dù chi phí giám định ADN không hề rẻ nhưng tâm lý “được mất” vẫn khiến nhiều người bất chấp.

Để giảm thiểu các vụ án tranh chấp, về phía chính quyền địa phương cần siết chặt quản lý, vận động các gia đình hạn chế việc thả rông, hoặc đánh dấu đặc điểm nhận dạng trâu bò. Đồng thời, các cán bộ cấp cơ sở cũng cần quan tâm, làm tốt công tác hòa giải...

Đi ăn trộm để lấy tiền “bao” gái

Việc đồng bào miền núi thả rông trâu bò không chỉ dẫn đến nguy cơ tranh chấp, mà còn vô tình tạo điều kiện cho trộm cắp hoành hành. Thiếu tiền cưới con, cần tiền trả nợ, hết tiền mua ma túy... đủ lý do khiến người ta có thể trèo lên đồi “mượn tạm” hàng xóm con trâu, con bò mang đi bán. Thậm chí có đối tượng không có tiền mời bạn gái xuống chợ huyện ăn chơi còn cả gan đến trộm cả trâu của một hộ gia đình nằm sát với... Đồn Biên phòng.

Giàng Lò Hừ khi bị đưa ra xét xử
Giàng Lò Hừ khi bị đưa ra xét xử

Giàng Lò Hừ (SN 1981, trú tại xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), chữ không biết, tiếng Kinh bập bẹ. Gia đình nghèo túng lại đông con, bố mẹ Hừ quanh năm suốt tháng lăn lộn trên nương rẫy để kiếm miếng ăn cho gia đình nên ít có thời gian quan tâm đến con cái. Mấy anh em Hừ lớn lên như cây cỏ. Khi Hừ sắp đến tuổi trưởng thành thì mẹ ruột qua đời, bố Hừ “gà trống nuôi con”.

Gia cảnh là thế nhưng mới thấc lên Hừ đã có nhiều đam mê và tham vọng. Những lúc thấy chúng bạn con nhà khá giả trong bản có mọi thứ, nào là quần áo đẹp, điện thoại đắt tiền, Hừ bắt đầu nhen nhóm ý định kiếm tiền để “cải thiện” cuộc sống. Nhưng vốn dĩ từ nhỏ Hừ đã lười lao động, trình độ lại không có nên hắn chọn nghề “đạo chích”.

Một lần nhìn mấy đứa bạn thân trong xã đèo bạn gái xúng xính xuống chợ chơi, Hừ cảm thấy ghen tức vô cùng. Cả ngày hôm đó, trong bụng hắn lúc nào cũng chỉ nhăm nhăm nghĩ cách kiếm tiền cho bằng được để cũng mời bạn gái đi chơi. Tối đến, sau khi ăn cơm xong, Hừ một mình lang thang ra bãi chăn thả của dân bản Mu Chi xã Pa Ủ, gần Đồn Biên phòng 309.

Ra đến nơi, Hừ đảo mắt nhìn quanh không thấy ai canh đàn trâu, hắn liền tiến lại tốp 3 con trâu đực to khỏe nhất của ông Pờ Hu Chờ vuốt ve. Thấy đàn trâu không phản ứng với người lạ, Hừ liền chạy đi giật một đoạn dây rừng rồi tiến lại gần con trâu to nhất, xỏ vào mũi dắt đi.

Hí hửng vì có được “món hàng” tốt, Hừ thong dong dắt trâu theo đường cái hướng về bản Giẳng (xã Mường Tè, huyện Mường Tè, Lai Châu) để tìm cách bán lấy tiền. Lúc ấy, trong đầu Hừ đã dự tính sẵn: Nếu bán được trâu, hắn sẽ mua xe máy và điện thoại. Số tiền còn lại, hắn sẽ để dành khao đám bạn gái trong phiên chợ sắp tới. Thế nhưng, chưa kịp vui mừng vì “chiến tích” đầu tay thì Hừ bị người dân phát hiện và truy đuổi. Do sợ bị bắt giữ, Hừ bỏ trâu chạy miết vào rừng lẩn trốn.

Ngay ngày hôm sau, Hừ bị dân quân bản Mu Chi bắt giữ khi hắn đang ẩn náu trong một túp lều canh nương bỏ trống. Ngay sau khi tiếp nhận vụ việc, Đồn Biên phòng 309 đã chuyển giao đối tượng và toàn bộ hồ sơ cho cơ quan công an huyện Mường Tè để điều tra theo thẩm quyền.

Mới đây, TAND huyện Mường Tè đã đưa Giàng Lò Hừ ra xét xử về tội Trộm cắp tài sản. Căn cứ vào hành vi phạm tội của Hừ, cùng các tình tiết giảm nhẹ trong vụ án, HĐXX đã tuyên phạt Giàng Lò Hừ 18 tháng tù. Bản án nghiêm khắc dành cho Hừ cũng là bài học cảnh tỉnh cho những thanh niên không chịu tu chí làm ăn, thích kiếm tiền bằng nghề phi pháp.

Đồng bào vùng cao vẫn có thói quen thả rông trâu bò trên núi
Đồng bào vùng cao vẫn có thói quen thả rông trâu bò trên núi

Một cán bộ Tòa án huyện Mường Tè đã kể lại rằng, trong suốt phiên tòa xét xử ngày hôm ấy, Hừ luôn cúi gằm mặt bên vành móng ngựa, thỉnh thoảng mới dám quay xuống nhìn bố. Những giọt nước mắt hối hận thực sự đã chảy dài trên má Hừ. Được nói lời cuối cùng, Hừ quay về phía người cha già nghẹn ngào: “Con biết hành vi của con là sai trái. Cũng chỉ vì muốn có tiền nhanh chóng mà con gây ra tội lỗi. Con hứa với cha con sẽ cải tạo thật tốt để về đoàn tụ cùng gia đình. Cha hãy giữ gìn sức khỏe...”.

Nước mắt lưng tròng, ông Giàng Xì Chờ, cha đẻ của Hừ, buồn rầu cho biết: “Cũng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, tôi thì suốt ngày quần quật trên nương rẫy nên chẳng có thời gian chú ý đến cuộc sống của con cái. Chẳng ai ngờ thằng Hừ lại hành động dại dột như vậy. Tôi chỉ mong sau này khi hết hạn cải tạo nó trở về cùng gia đình làm lại từ đầu”.

Dù quá trình hiện đại hóa nông nghiệp đã diễn ra suốt nhiều năm, song đối với miền núi thì việc cày bừa hay vận chuyển hàng hóa chủ yếu vẫn phải nhờ đến sức trâu. Chính vì thế, đối với đồng bào, con trâu vẫn là “đầu cơ nghiệp”. Và cũng vì vai trò, giá trị của mỗi con trâu lớn nên vô tình chúng trở thành mục tiêu của những kẻ hành nghề “đạo chích”.

Huyền Thương