Quỹ Đạo Phật ngày nay - Trao yêu thương cho những phận đời bất hạnh
(DTTG) Với tôn chỉ “Phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo”, nhiều năm qua, Quỹ Đạo Phật ngày nay của chùa Giác Ngộ đã góp phần chăm lo cho nhiều phận đời bất hạnh trong xã hội, đúng với truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam.
![]() |
Chùa Giác Ngộ chia sẻ với người dân quận Gò Vấp 10 tấn gạo, khoai trong mùa dịch Covid-19. |
Chia sẻ vật chất để dẫn dắt tinh thần
Chùa Giác Ngộ (Quận 10, TPHCM) không chỉ được biết đến là nơi truyền bá Đạo Phật mà nơi đây từ lâu đã trở thành mái ấm chia sẻ yêu thương cho nhiều phận đời khó khăn trong xã hội. Đã có hàng chục nghìn người nghèo, người khuyết tất, trẻ em mồ côi được “tiếp sức” từ Quỹ Đạo Phật ngày nay do thầy Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ khởi xướng.
Những ngày đầu, Quỹ Đạo Phật ngày nay gặp nhiều khó khăn về công tác tổ chức, nhân sự. Tuy nhiên, những khó khăn ấy không ảnh hưởng đến tinh thần phụng sự, hiệu quả phục vụ và tổ chức các hoạt động từ thiện, phật sự của Quỹ.
Từ những bước đi đầu tiên, nhiều năm qua, Quỹ Đạo Phật ngày nay đã góp phần chăm lo cho nhiều hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài nước. Đến nay, Quỹ đã tổ chức hàng trăm chương trình từ thiện khắp các tỉnh, thành như: Hà Tĩnh, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Lắk, Nha Trang, Vũng Tàu, TPHCM, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh…
Nổi bật là chuỗi chương trình mang tên “Quà Tết yêu thương”, “Trao tặng yêu thương” hướng đến các đối tượng đặc biệt, dễ bị tổn thương và cần được sự bảo vệ của xã hội như người nghèo, trẻ em mồ côi... Riêng ở TP.HCM, Quỹ Đạo Phật ngày nay đã tổ chức chương trình “Di lặc du xuân” ở khắp các quận, huyện, trao tặng hàng ngàn phần quà cho những người kém may mắn trong đêm giao thừa hàng năm.
Đặc biệt, Quỹ đã sát cánh cùng nhiều địa phương trên cả nước xây dựng cầu đường, lớp học, nhà tình thương, xây chùa, giảng đường và nhiều công trình để chăm lo cho các hoàn cảnh khó khăn.
Ở nước ngoài, Quỹ Đạo Phật ngày nay đã trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa cho bà con sống ở Campuchia. Tại quê hương phật giáo Ấn Độ, Quỹ đã trao tận tay bà con nghèo và các em học sinh hàng ngàn suất quà. Đặc biệt, Quỹ còn giúp đỡ tịnh tài, mở các lớp học xóa mù chữ, hỗ trợ xây dựng, mua thiết bị cần thiết phục vụ việc dạy nghề cho thanh thiếu niên tại địa phương.
Nguồn thu hàng năm của Quỹ xuất phát từ 5 nguồn: Đóng góp quỹ gốc, lãi ngân hàng, đóng góp trực tiếp cho hoạt động, tổ chức sự kiện và đóng góp chi phí quản lý Quỹ.
Bên cạnh mục đích chăm lo cho người khó khăn, các hoạt động tại chùa Giác Ngộ luôn gắn với chủ trương “Chia sẻ vật chất để dẫn dắt tinh thần”. Theo đó, các hoạt động từ thiện luôn đi kèm giảng pháp thoại, giúp người bất hạnh biết đến Phật pháp, giúp chính quyền địa phương có thiện cảm với Phật giáo, vị trụ trì có thêm nhiều Phật tử trong tương lai.
Với những ý nghĩa cao đẹp đó, Quỹ Đạo Phật ngày nay đã trở thành đứa con tinh thần, hiện thực hóa tôn chỉ “Phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo”. Đặc biệt, qua nhiều năm hình thành và phát triển, Quỹ không chỉ phụng sự trong lĩnh vực từ thiện mà còn hỗ trợ nhiều hoạt động Phật sự khác do chùa tổ chức.
![]() |
Thầy Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ (ở giữa) đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM trao tặng 33 máy thở trị giá 3,4 tỷ đồng cho nhân dân Ấn Độ. |
Ngoài ra, chùa Giác Ngộ còn được biết đến qua các hoạt động như hiến máu nhân đạo, hiến mô tạng cứu người - hiến xác cho y học, hỗ trợ kinh phí mổ tim cho trẻ em, các hoạt động phát triển giáo dục… Theo thống kê, nhiều năm qua, chùa Giác Ngộ đã khởi xướng hàng chục chương trình hiến máu, tiếp nhận hàng nghìn lượt đăng ký hiến mô, tạng, hiến xác từ các Tăng Ni và Phật tử; chung tay giúp đỡ hàng chục nghìn người bệnh khó khăn, in ấn và trao tặng miễn phí hàng hơn 2,5 triệu bản Kinh sách Phật giáo và các ấn phẩm khác…
Tiếp nối những thành quả đã đạt được, Quỹ Đạo Phật ngày nay sẽ tiếp tục sứ mệnh giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh bằng phương pháp thiết thực, mang tính lâu dài, bền vững hơn. Qua đó, phát huy truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam.
Thượng tọa Thích Nhật Từ, Chủ tịch sáng lập Quỹ Đạo Phật ngày nay cho biết, việc giúp đỡ nhân sinh không chỉ là nhất thời mà là công việc thường xuyên và lâu dài. Do đó rất cần sự chung tay của quý đức Tăng, Ni và các Phật tử để góp phần giúp hàng vạn, hàng triệu người giải quyết được các vấn nạn, nỗi khổ, niềm đau, mở ra an vui và hạnh phúc.
![]() |
Từ khi thành lập đến nay, chùa Giác Ngộ đã khởi xướng hàng chục chương trình hiến máu nhân đạo. |
Đưa Phật giáo Việt Nam ra thế giới
Thượng tọa Thích Nhật Từ là một Tam tạng pháp sư thời nay, nhà cải cách Phật giáo hiện đại, người chủ trương nhập thể, nhà diễn thuyết, nhà thơ, nhà tư vấn, người trị bệnh tâm thần đa nhân cách… Ngoài vai trò khởi xướng, vun đắp cho Quỹ Đạo Phật ngày nay, ông còn được biết đến với nỗ lực đưa Phật giáo Việt Nam ra thế giới.
Thầy Thích Nhật Từ chính là người vận động đưa Vesak Liên Hợp Quốc về Việt Nam trong các năm 2008, 2014, 2019. Đặc biệt, thầy đã kết nối Phật giáo Việt Nam với những quốc gia Phật giáo trên thế giới qua các Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới, Hội thảo Phật đản Liên Hợp Quốc và các Hội thảo Phật giáo quốc tế được tổ chức tại Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Nhật Bản, Miến Điện, Ấn Độ…
Đối với Phật giáo thế giới, ngoài vai trò Phó Tổng thư ký Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc các năm 2006, 2007, 2014 và thư ký Ban Tổ chức Đại lễ Vesak năm 2008, trụ trì Thích Nhật Từ còn là Phó Chủ tịch Liên minh thế giới về Giao lưu Văn hóa Phật giáo, thành viên sáng lập Liên minh Phật giáo thế giới.
Nhờ những đóng góp to lớn cho hoạt động Phật giáo, thầy Thích Nhật Từ đã nhận được 5 bằng Tiến sĩ danh dự của các trường đại học nước ngoài, Bằng khen của Thủ tướng Việt Nam cùngnhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý như: Giải thưởng “Lãnh đạo xuất sắc Phật giáo thế giới” của Hòa thượng Somdet Phramaha Ratchmangkhlachan, Quyền Tăng vương Thái Lan năm 2015; Danh hiệu “Người thắp đuốc Diệu pháp” của Chính phủ Miến Điện năm 2015; Giải thưởng cải cách PC toàn cầu của World Alliance of Buddhist Leaders năm 2017; Giải thưởng Nhà giáo toàn cầu của Trường Đại học Swami Viveknand Subharti năm 2018…
Đặc biệt, ngoài các hoạt động về Phật giáo, thầy Thích Nhật Từ còn giữ vai trò là Tổng chủ biên Tủ sách Đạo Phật ngày nay với gần 300 quyển sách nghiên cứu và ứng dụng Phật học của nhiều tác giả, dịch giả khác nhau.
Ông còn biên tập, xuất bản hơn 250 CD, VCD, DVD về tân nhạc, cổ nhạc và tiếng thơ Phật giáo và tổ chức đại nhạc hội Phật giáo nhân mùa Vu Lan, Phật Đản, những cuộc triển lãm văn hóa, mỹ thuật Phật giáo bao gồm tranh ảnh, thư pháp, hội họa, cổ vật và Phật giáo…