Thuận Châu - Sơn La: Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiếu số

02/11/2021 10:32

(DTTG) Đối với vùng dân tộc thiểu số (DTTS), đào tạo nhân lực chất lượng cao là nhân tố cơ bản quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội... Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực DTTS trên địa bàn, huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La đã chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực DTTS và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Nguồn nhân lực là nguồn lực con người bao gồm cả thể lực, trí lực và tâm lực. Với vùng DTTS và miền núi, đào tạo nhân lực chất lượng cao là nhân tố cơ bản quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với đồng bào DTTS và miền núi...

Những năm qua, Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng DTTS. Hiện có 12 chính sách, gồm 8 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 4 Nghị định của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực giáo dục của đồng bào DTTS.

Giảng viên và sinh viên Trường dự bị Đại học Dân tộc Trung ương
Giảng viên và sinh viên Trường dự bị Đại học Dân tộc Trung ương

Chính sách phát triển nguồn nhân lực cho đồng bào DTTS được thể hiện qua bốn nhóm: Chính sách phát triển hệ thống trường chuyên biệt vùng DTTS và miền núi; chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đại học, cao đẳng; chính sách hỗ trợ đối với người học về học bổng, hỗ trợ học tập, miễn, giảm học phí, chế độ cử tuyển, tuyển thẳng vào đại học, dự bị đại học, cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh, ưu tiên trong đào tạo, chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên… và chính sách đầu tư đối với các cơ sở đào tạo vùng DTTS và miền núi.

Một trong những phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 được Đại hội XIII của Đảng xác định, đó là: “Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn”.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực DTTS trên địa bàn, trong những năm qua huyện Thuận Châu đã tập trung nâng cao công tác Giáo dục và đào tạo ở các cấp học góp phần phát triển số lượng và chất lượng nguồn nhân lực DTTS của địa phương.

Lớp học xã Co Mạ huyện Thuận Châu
Lớp học xã Co Mạ huyện Thuận Châu

Theo đó, huyện Thuận Châu luôn đẩy mạnh chỉ đạo đổi mới công tác quản lý giáo dục, giữ vững kết quả và từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, tố chức thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua do các cấp, ngành phát động; Các chỉ tiêu đánh giá chất lượng giáo dục ở các bậc học cơ bản hoàn thành theo kể hoạch đề ra.

Công tác bồi dường, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tư tưởng, nhận thức, phẩm chất đạo đức nhà giáo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên được chú trọng. Đội ngũ nhà giáo đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng với 99,5% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, đáp ứng yêu cầu đổi mới về chương trình và phương pháp giáo dục; công tác xã hội hóa được quan tâm thực hiện; công tác nấu ăn bán trú cho học sinh tiếp tục dược duy trì.

Hệ thống trường, lớp học được đầu tư kiên cố hóa, trang thiết bị giảng dạy và học tập được cải thiện; các xã đều đã có nhà lớp học 2 tầng, nhà ở cho giáo viên và nhà bán trú cho học sinh vùng III, không còn tình trạng học 3 ca. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia theo kế hoạch. Đến hết năm 2020, trên địa bàn huyện có tổng số 34/84 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 40,5%.

Nhiều trường đạt thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020 góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện triển khai thực hiện thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) tại 15 trường;  toàn huyện có 24 trường nấu ăn bán trú cho 5.908 học sinh; Tỷ lệ học sinh đặc biệt là tỷ lệ học sinh nữ dân tộc ít người như Mông, La Ha, Khơ Mú đên trường ngày càng cao góp phần quan trọng trong việc tạo nguồn cho cán bộ địa phương cơ sở, 100% xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; mở 22 lớp xóa mù chữ cho 1.071 học viên, trong đó có 1.019 học viên nữ; tổ chức dạy thí điếm tiếng dân tộc Thái tại 02 trường Tiểu học (Chiềng Ly, Thôm Mòn) với 21 lớp, 579 học sinh.

Khánh thành nhà lớp học Trường THCS xã Mường Bám, huyện Thuận Châu
Khánh thành nhà lớp học Trường THCS xã Mường Bám, huyện Thuận Châu

Các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên đã được UBND huyện chỉ đạo, triển khai kịp thời. Việc chi trả cho học sinh thực hiện đúng đối tượng, công tác chi trả công khai, minh bạch. Học sinh, sinh viên được hưởng chính sách đều là con em hộ gia đình nghèo, cận nghèo hoặc cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; nhờ có chế độ chính sách hỗ trợ, phụ huynh học sinh, sinh viên giảm bớt gánh nặng về kinh tế, học sinh đi học đều hơn, đạt kết quả học tập tốt hơn.

Giai đoạn 2016 - 2020 đã hỗ trợ cho 436.827 lượt học sinh, kinh phí thực hiện là 117.383,543 triệu đồng (trong đó: Hỗ trợ học bổng cho 1.357 lượt học sinh học sinh khuyết tật với số tiền 6.906,648 triệu đồng; hỗ trợ miễn giảm học phí cho 215.260 lượt học sinh, sổ tiền 10.249,185 triệu đồng; hỗ trợ chi phí học tập 218.703 lượt học sinh, số tiền 99.744,210 triệu đồng; hỗ trợ khác cho học sinh khuyết tật (hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập) 967 lượt học sinh, số tiền 483,500 triệu đồng).

Nâng cao kiến thức xã hội, kỹ năng sống cho học sinh DTTS được ngành giáo dục quan tâm tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường các hoạt động tập thể trên lớp và ngoài giờ để học sinh DTTS có nhiều cơ hội giao tiếp nhằm giúp các em củng cố và nâng cao vốn tiếng Việt; hình thành kỹ năng tự học, tự nghiên cứu cho học sinh; thường xuyên giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, sống có lý tưởng cho học sinh phổ thông tại các trường có học sinh DTTS; tổ chức một số hoạt động ngoài trời, như: Tham quan các khu di tích lịch sử, tổ chức các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa nhân kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7; tổ chức lễ Trưởng thành và Tri ân cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian, các điệu múa dân tộc, thi báo tường - tập san, thi An toàn giao thông ...

Trong thời gian tới, huyện Thuận Châu tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sông; xây dựng môi trường, trường học an toàn phát huy dân chủ trong nhà trường; rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, tiếp tục duy trì quy mô trường lớp hiện có, phát triển loại hình trường, lớp mầm non tư thục.

Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá giáo dục, tăng cường huy động các nguồn lực phát triển giáo dục; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách miễn, giảm học phí, chính sách tín dụng học sinh, sinh viên. Tăng cường trang thiết bị để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục và dạy học.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã hội học tập. Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của người học.

Thu Trang - Minh Ngọc