Đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ đổi thay sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới

03/08/2021 03:04

(DTTG) Chiếm 13% diện tích và 19% dân số cả nước, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), thuộc địa bàn các tỉnh Tây Nam Bộ là nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn vùng đã có những đổi thay mạnh mẽ và cuộc sống người dân ngày càng khấm khá.

Đường giao thông liên xã liên thôn đã được bê tông hóa tại các tỉnh Tây Nam Bộ.
Đường giao thông liên xã liên thôn đã được bê tông hóa tại các tỉnh Tây Nam Bộ.

Ở xã NTM Tham Ðôn (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), ông Lâm Văn Phấn, một lão nông dân tộc Khmer đã vận động bà con, thân nhân và kiều bào ở nước ngoài đóng góp gần hai tỷ đồng xây sáu cây cầu, bốn tuyến đường giao thông; xây dựng hai căn nhà mát ngoài đồng để bà con trú mưa, nghỉ nắng.

Ông còn phân phát hơn 22 tấn lúa cho các hộ khó khăn, trồng hoa hai bên đường làm đẹp ngõ xóm. Trường mẫu giáo Bông Sen rộng hơn 1.000 m2 cũng là công sức do ông Phấn đứng ra vận động người dân hiến đất xây trường. Ông Phấn vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen với thành tích xuất sắc trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phong trào xây dựng NTM.

Giáo dục Mầm non ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh sau khi thực hiện xây dựng Nông thôn mới.
Giáo dục Mầm non ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh sau khi thực hiện xây dựng Nông thôn mới.
Trẻ em đến tuổi được đến trường học chữ.
Trẻ em đến tuổi được đến trường học chữ.

Hơn 10 năm trước, nơi đây là vùng heo hút nhất của xã Tham Ðôn. Ðường, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế là nỗi khát khao của người dân. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", chỉ trong thời gian ngắn, các tuyến đường liên ấp, liên xã hình thành, ánh sáng điện, nước sạch cũng theo đó về với ấp Chụm Bưng. Trẻ em tuổi mầm non đã được đến trường. Các mô hình kinh tế được đầu tư, chuyển giao, đời sống nhân dân ngày càng khấm khá.

Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tham Ðôn Tăng Trung Bảo chia sẻ, là xã đặc biệt khó khăn, có hơn 73% đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng đến năm 2018, Tham Ðôn đã được công nhận đạt chuẩn NTM và hiện nay đã đủ tiêu chuẩn công nhận xã NTM kiểu mẫu.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, qua 10 năm xây dựng NTM, Sóc Trăng đã huy động hơn 14.246 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương là 707 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 999 tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 5.002 tỷ đồng, vốn tín dụng hơn 5.682 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 5.682 tỷ đồng và vốn nhân dân đóng góp hơn 1.139 tỷ đồng. Cùng với phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, Sóc Trăng là địa phương điển hình trong phát triển kinh tế cho người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào Khmer.

Đặc biệt, Sóc Trăng đã triển khai Đề án của Chính phủ về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và là địa phương có nhiều sản vật nông, lâm, thủy sản đặc trưng, như: Gạo thơm ST, gạo tài nguyên, trà mãng cầu, bưởi da xanh, bưởi năm roi, vú sữa tím, nấm rơm đóng hộp, bánh in, mè láo...

Bà con khóm ấp tự giác trong bảo vệ môi trường và làm đẹp cảnh quan xanh sạch đẹp.
Bà con khóm ấp tự giác trong bảo vệ môi trường và làm đẹp cảnh quan xanh sạch đẹp.

Ở miệt biển tỉnh Cà Mau, cựu chiến binh Lê Nghị Diện, Phó Chi hội trưởng Cựu chiến binh ấp Ðất Sét, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân đã dành hết tâm huyết để cải tạo thửa đất cằn cỗi của gia đình thành những đầm tôm cho năng suất cao. Vụ tôm năm nào gia đình ông Diện cũng lãi, mỗi năm từ 300-400 triệu đồng. Từ hộ nghèo vươn lên thành hộ khá, ông đã hỗ trợ vốn, cây trồng, vật nuôi... và chỉ dẫn cho 30 hộ khó khăn trên địa bàn ấp cách làm ăn, phát triển kinh tế.

Giống như ông Diện, bà Lý Ngọc Ngân, dân tộc Khmer ở ấp Ðường Ðào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình cũng dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động vì tình làng, nghĩa xóm. Bằng kinh phí tự có và sự ủng hộ thêm từ bạn bè, người thân, trong 5 năm qua, bà đã hỗ trợ cất hai căn nhà cho hộ nghèo trong ấp; góp tiền giúp nâng cấp con lộ nông thôn ở Ðường Ðào từ 1,5 m lên 2,5 m để đạt chuẩn lộ NTM.

Vợ chồng ông Nguyễn Trường Giang ở ấp 3, xã Khánh Lâm, huyện U Minh lại trích tiền lương thương binh hằng tháng mua vật tư, bỏ công đi dặm, vá những tuyến đường hư hỏng. Nhờ việc làm thiết thực của vợ chồng ông mà con em miệt Khánh Lâm đạp xe đi học không vấp ổ gà, té ngã như trước.

Cà Mau xây dựng NTM với xuất phát điểm rất thấp, toàn tỉnh chỉ đạt 3,5 tiêu chí/xã, thậm chí năm 2010 nhiều xã "trắng" tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo có nơi gần 14%. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh đã có những bước chuyển lớn. Chỉ tính riêng giai đoạn 2010 - 2019, tổng nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM trên địa bàn Cà Mau là hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó dân đóng góp chiếm gần 30%. "Nếu đạt xã NTM mà đời sống người dân khó khăn, sản xuất còn bấp bênh thì NTM chưa thực chất và không có ý nghĩa", Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.

So với các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ, Vĩnh Long có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer ít hơn với tổng số 22.630 người, chiếm 2,21% dân số toàn tỉnh. Vĩnh Long đã huy động nguồn lực từ ngân sách tỉnh, huyện và lồng ghép nhiều chương trình, như: Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình hỗ trợ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội và các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, giải quyết việc làm...

Qua 10 năm triển khai xây dựng NTM, hiện hai xã Đông Bình, Đông Thành (thị xã Bình Minh) đã được công nhận xã NTM; xã Loan Mỹ (huyện Tam Bình) đang quyết tâm đạt chuẩn NTM trong năm 2021. Như vậy cuối năm nay, Vĩnh Long có 3/5 xã đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đạt chuẩn xã NTM (chiếm tỷ lệ 60%).

Điều đặc biệt, nhiều ấp, xã, huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống lại về đích NTM trước. Cụ thể như tại tỉnh Trà Vinh, địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer chiếm đến hơn 31% dân số toàn tỉnh đã có 69/85 xã đạt chuẩn NTM (chiếm tỷ lệ 81,1%).

Nhờ thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, những con đường nhựa mọc lên giúp người dân thuận tiện đi lại.
Nhờ thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, những con đường nhựa mọc lên giúp người dân thuận tiện đi lại.

Tỉnh Hậu Giang đã có nhiều mô hình đặc thù trong xây dựng NTM, như: "Tuyến đường không rác thải", mô hình "ấp 5 không 3 sạch toàn diện, tham gia xây dựng NTM kiểu mẫu" tại ấp Xẻo Cao A, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, rất đông phụ nữ trong ấp hưởng ứng.

Chị Huỳnh Ngọc Phỉ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A nói: Xây dựng cảnh quan môi trường là tiêu chí khó, không phải có vốn là thực hiện được, mà đòi hỏi vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện.

Đến nay toàn tỉnh Hậu Giang có 640 tổ/nhóm/câu lạc bộ hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường với 12.000 thành viên đã và đang phát huy hiệu quả; có 63.745 hộ gia đình đạt tiêu chí 5 không, 3 sạch, góp phần cho địa phương được công nhận tiêu chí môi trường hằng năm.

Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Hậu Giang Huỳnh Thành Hữu cho biết: Trong thực tế xây dựng NTM đã xuất hiện nhiều hạn chế, bất cập và nhiều nơi đã xuất hiện tình trạng lơi lỏng. Để xây dựng NTM thuận lợi và đạt kết quả tốt cần thuộc lòng phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Đua ghe truyền thống của người Khmer được duy trì, phát triển.
Đua ghe truyền thống của người Khmer được duy trì, phát triển.
Các giá trị văn hóa – Nghệ thuật của đồng bào Khmer được chú trọng bảo tồn, phát triển.
Các giá trị văn hóa – Nghệ thuật của đồng bào Khmer được chú trọng bảo tồn, phát triển.

Tuấn Phong