Si Ma Cai triển khai Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch
(DTTG) Thực hiện nội dung dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” (một trong 10 dự án trọng tâm Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030), ngày 31/7/2021 Huyện ủy Si Ma Cai đã ban hành Đề án thực hiện nhiệm vụ này giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí là 42 tỷ đồng.
![]() |
Rực rỡ hoa văn, họa tiết tinh sảo trên váy áo dân tộc Mông ở Si Ma Cai. |
Si Ma Cai là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai, có 15 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có nền văn hóa truyền thống đặc sắc lâu đời. Si Ma Cai cũng là huyện tập trung nhiều lễ hội truyền thống của các dân tộc, nhiều di tích lịch sử văn hóa và Nghề thủ công truyền thống của đồng bào DTTS trong tỉnh Lào Cai.
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn, ngày 31/7/2021, Huyện ủy Si Ma Cai đã ban hành Đề án Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, nhiệm kỳ 2020-2025. Tổng nguồn kinh phí thực hiện đề án ước tính là hơn 42,7 tỉ đồng.
Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 bảo tồn 3 lễ hội, nghi lễ truyền thống; 2 nghề thủ công truyền thống (chạm khắc bạc, làm nhạc cụ dân tộc tại thị trấn Si Ma Cai và xã Sín Chéng); sưu tầm, bảo tồn văn hóa phi vật thể của 3 nhóm ngành dân tộc ít người có nguy cơ mai một cao.
Đồng thời, lập hồ sơ khoa học, đề nghị công nhận và tiến hành tôn tạo 1 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, bảo tồn 1 nhà truyền thống của dân tộc Mông. Duy trì mở rộng quy mô 5 làng nghề dệt thổ cẩm, chạm khắc bạc, nấu rượu, làm hương tại các xã Cán Cấu, Sán Chải, Sín Chéng, thị trấn Si Ma Cai.
Xây dựng 5 điểm du lịch và các sản phẩm du lịch tại các điểm du lịch. Xây dựng 5 mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi, trồng dược liệu tại các xã Lùng Thẩn, Cán Cấu, Quan Hồ Thần, Sín Chéng, Bản Mế.
Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 thu hút được 270 nghìn lượt khách đến Si Ma Cai, tăng khoảng 210 nghìn lượt người so với năm 2019. Tổng số cơ sở lưu trú đạt 20 cơ sở, tăng 15 cơ sở so với năm 2020; nâng tổng số phòng từ 68 phòng năm 2020 lên 200 phòng năm 2025. Doanh thu du lịch, dịch vụ năm 2025 đạt 67 tỷ đồng.
![]() |
Đồng bào các dân tộc ở Si Ma Cai và vùng lân cận nô nức đi Lễ hội. |
Để đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2025, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền huyện Si Ma Cai xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể gồm: Bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa phi vật thể phục vụ phát triển du lịch, trong đó có bảo tồn lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông, được tổ chức thường niên tại thôn Sảng Sín Pao, xã Sín Chéng; bảo tồn lễ hội Xuống đồng của dân tộc Nùng được tổ chức thường niên tại thôn Đội 2, xã Nàn Sán; bảo tồn lễ hội Cúng rừng được tổ chức thường niên tại thôn Lùng Sán, xã Lùng Thẩn và bảo tồn lễ hội Cúng rừng của người Nùng xã Nàn Sán; duy trì, đẩy mạnh hoạt động của 10 đội văn nghệ xã, thị trấn.
![]() |
Quang cảnh tưng bừng tại Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông tại Si Ma Cai. |
Gầu Tào là lễ hội truyền thống của người Mông. Thông thường, khi một gia đình người Mông không có con, ít con, sinh con một bề hay có người ốm đau, làm ăn không tốt…, họ sẽ khấn thần linh ban cho con cái, cầu xin sức khỏe hay làm ăn thuận lợi. Khi lời cầu khấn trở thành hiện thực, họ làm lễ Gầu Tào để tạ ơn thần linh.
Lễ hội được tiến hành vào mùa xuân trong ba năm liền - mỗi năm người ta trồng một cây nêu để 3 gia chủ lần lượt mang cây nêu và những vật treo trên cây về để lấy phúc, lấy lộc. Để tổ chức lễ Gầu Tào, gia chủ phải mời chủ lễ là người có gia cảnh yên ấm, hạnh phúc, kinh tế khá giả. Lễ hội này ghi dấu ấn đặc sắc về giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào Mông ở Si Ma Cai, được lãnh đạo tỉnh và huyện quan tâm, chú trọng trong hoạt động bỏ tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch ở địa phương.
![]() |
Trình diễn các điệu dân vũ truyền thống trong các Lễ hội. |
Bên cạnh đó, Đảng bộ huyện Si Mai Cai tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bảo tồn phát huy di sản văn hóa vật thể phục vụ phát triển du lịch. Trong giai đoạn 2020-2025 sẽ khảo sát xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận thành cổ xã Lùng Thần là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Khảo sát, xây dựng hồ sơ bảo tồn tôn tạo nhà cổ truyền thống của dân tộc Mông tại thôn Mào Sao Phìn, xã Sín Chéng phát triển thành nhà lưu trú tại gia Homstay gắn với chợ phiên, lễ hội Gầu Tào xã Sín Chéng, làng nghề dệt thổ cẩm.
![]() |
Sản phẩm từ nghề dệt vải thổ cẩm - nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số ở Si Ma Cai sẽ được tập trung bảo tồn, phát triển thành sản phẩm du lịch. |
Cùng với đó, huyện Si Ma Cai sẽ tập trung xây dựng điểm du lịch, sản phẩm du lịch, quà lưu niệm. Đồng thời, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và dịch vụ nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu đa dạng của du khách. Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch cũng như thúc đẩy các hoạt động phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch và các lễ hội văn hóa ở địa phương.
![]() |
Lễ hội cũng là dịp để mọi người đoàn tụ, vui chơi, giao lưu, cùng đoàn kết xây dựng quê hương Si Ma Cai. |