Mô hình HTX nông sản sạch – điểm sáng của nông nghiệp Lạng Sơn

20/08/2021 04:21

(DTTG) Tràng Định là huyện phía Bắc của tỉnh Lạng Sơn, giáp Cao Bằng, Bắc Kạn và Trung Quốc với đường biên giới dài 52 km, có 5 dân tộc cùng sinh sống gồm: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông. Nhờ tập trung phát huy tiềm năng, phát triển các nguồn lực tại chỗ nên kinh tế nông nghiệp của huyện Tràng Định đã có bước chuyển biến tích cực. Đặc biệt, mô hình HTX nông sản sạch đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, liên kết bao tiêu, nâng cao giá trị nông sản địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng của HTX nông sản sạch Tràng Định, Lạng Sơn năm 2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng của HTX nông sản sạch Tràng Định, Lạng Sơn năm 2019.

Thành lập tháng 3/2017 tại thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, HTX nông sản sạch Tràng Định khi mới thành lập có 7 thành viên với số vốn điều lệ 18 triệu đồng. Đến nay, HTX đã tăng lên 14 thành viên, hầu hết là người dân tộc Dao, Tày, Nùng, vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Với sự đoàn kết trong Hội đồng quản trị, việc chỉ đạo sản xuất và kinh doanh trong HTX luôn được chú trọng, đem lại doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng mỗi năm.

Mở hướng thoát nghèo cho người dân

Với tâm huyết xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho các loại nông sản, đặc sản địa phương, HTX nông sản sạch Tràng Định trở thành đầu mối thu mua với giá ổn định, tránh bị tiểu thương ép giá. Việc triển khai liên kết sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, sức lao động đã góp phần tích cực để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho bà con, nhất là đồng bào dân tộc tại địa phương.

HTX đã tham gia rất nhiều hội chợ tại các tỉnh bạn để trưng bày các sản phẩm nông sản, đặc sản của Tràng Định nói riêng và của Lạng Sơn nói chung. Từ đó nhiều khách hàng tại các tỉnh bạn biết đến đặc sản của Lạng Sơn. Trong năm 2019, HTX được tỉnh hỗ trợ đầu tư máy móc thực hiện mô hình chuỗi khép kín trong sản xuất gạo. Cùng đó, HTX đã đầu tư mở xưởng, sân bãi và kho với tổng diện tích hơn 700m2 để thực hiện mô hình.

Ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc HTX Nông sản sạch Tràng Định cho biết, Tràng Định là địa phương nổi tiếng với nhiều nông sản đặc sản. Chính vì vậy ngay từ khi thành lập, HTX đã xác định lĩnh vực chính là kinh doanh dịch vụ đầu tư vào nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, chế biến thực phẩm. Trong đó, mục tiêu chủ yếu là kinh doanh và trồng lúa bao thai hồng, bao thai trắng, lúa nếp cái ong vàng và các nông sản, đặc sản của Tràng Định.

Máy tách màu gạo (máy bắn màu gạo) trong dự án hỗ trợ máy móc của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Lạng Sơn.
Máy tách màu gạo (máy bắn màu gạo) trong dự án hỗ trợ máy móc của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Lạng Sơn.

Năm 2020, HTX đã hợp đồng với người dân cấy, gây giống 2 ha lúa bao thai hồng và 1 ha nếp cái ong vàng, 1 ha bao thai trắng. Theo đó, các hộ dân được HTX cung ứng giống lúa, hỗ trợ 50% vật tư, phân bón vi sinh hữu cơ, được tập huấn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, cho đến khâu thu hoạch và đã cho thu hoạch được 11 tấn thóc bao thai hồng, 5,7 tấn thóc nếp cái ong vàng, 5,5 tấn thóc bao thai trắng.

Vụ hè thu năm 2021, HTX đã mở rộng liên kết với trên 400 hộ dân, chủ yếu là đồng bào DTTS tại 5 xã, thị trấn vùng cánh đồng gồm: Đề Thám, Hùng Sơn, Chi Lăng, Đại Đồng và thị trấn Thất Khê để cấy lúa bao thai hồng với diện tích 60 ha, 30 ha bao thai trắng và 10 ha nếp cái ong vàng. Kết quả, HTX thu được gần 300 tấn thóc bao thai hồng với giá 10 nghìn đồng/kg thóc, hơn 150 tấn thóc bao thai trắng với giá 8 nghìn đồng/kg thóc, trên 30 tấn thóc nếp cái ong vàng với giá 18 nghìn đồng/kg thóc.

Tháng 4/2021 vừa qua, sản phẩm gạo nếp cái ong vàng của HTX nông sản sạch Tràng Định được UBND tỉnh Lạng Sơn công nhận OCOP 3 sao, ghi nhận sự nỗ lực của HTX, đồng thời từng bước khẳng định giá trị cũng như thương hiệu sản phẩm mà HTX đã và đang xây dựng.

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng Covid-19

HTX nông sản sạch Tràng Định hợp đồng với người dân trên địa bàn huyện trồng và bao tiêu các sản phẩm nông sản, đặc sản như: Rau củ quả an toàn, bí thơm, thạch đen, cốm, cây cà gai leo… với giá cả ổn định, thậm chí cao hơn thị trường nên bà con rất yên tâm.

Ông Lã Văn Khèn, dân tộc Nùng, thôn Pác Luồng, xã Đề Thám, huyện Tràng Định cho biết, năm 2021 gia đình ông trồng hơn 1 sào bí nếp thơm và đang cho thu hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên hàng hóa không bán được.

“May mắn gia đình tôi được HTX nông sản sạch Tràng Định về thu mua, hỗ trợ tiêu thụ nên chúng tôi không phải lo lắng”, ông Khèn nói. Bên cạnh đó, HTX Nông sản sạch Tràng Định còn liên kết với các HTX khác trên địa bàn tỉnh để làm đại lý phân phối một số sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh Lạng Sơn đến một số tỉnh, thành như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội… với một số sản phẩm như: Cao khô Vạn Linh (Chi Lăng), hồng vành khuyên (Văn Lãng), mật ong (xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng), gạo Nhật (xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan), bún ngô (xã Đình Lập, huyện Đình Lập).

Bí xanh thơm được huyện Tràng Định xác định là một trong những cây nông nghiệp chủ lực giúp người dân địa phương vươn lên thoát nghèo.
Bí xanh thơm được huyện Tràng Định xác định là một trong những cây nông nghiệp chủ lực giúp người dân địa phương vươn lên thoát nghèo.

Năm 2021, xã Đề Thám trồng khoảng 3,5ha và đang bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, do phải thực hiện giãn cách xã hội nên các thương lái không đến thu mua khiến nông sản tiêu thụ gặp khó khăn. Trước thực trạng này, UBND xã Đề Thám đã phối hợp với HTX nông nghiệp sạch Tràng Định, HTX nông nghiệp Đề Thám hỗ trợ thu mua, tiêu thụ bí cho các hộ gia đình trên địa bàn.

Ông Bế Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đề Thám cho biết, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các HTX và các doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu, phát triển cây bí xanh thơm đưa sản phẩm ra thị trường, đưa vào các siêu thị để nâng cao giá trị, ổn định thu nhập cho người dân.

Ông Vi Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn cho biết, những năm qua HTX Nông sản sạch Tràng Định là một trong những HTX hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đầu tư cung cấp dịch vụ đầu vào cho đến bao tiêu sản phẩm cho bà con. “Đây là một điểm sáng trong liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc sản xứ Lạng để các HTX khác học tập”, ông Truyền nói.

Việc trồng mía những năm qua đã giúp người dân xã Chí Minh, huyện Tràng Định, Lạng Sơn từng bước nâng cao đời sống.
Việc trồng mía những năm qua đã giúp người dân xã Chí Minh, huyện Tràng Định, Lạng Sơn từng bước nâng cao đời sống.

Tuấn Phong