Những “cây đại thụ” nơi biên viễn

30/08/2021 03:35

(DTTG) Từ xưa đến nay, biên giới luôn là địa bàn tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự. Bằng sự nhiệt huyết, trách nhiệm của mình, nhiều già làng, trưởng bản nơi biên viễn không chỉ là tấm gương tiêu biểu trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia mà còn là chỗ dựa về tinh thần của đồng bào nơi biên viễn.

Điểm tựa tinh thần

Gia Lai là tỉnh có đường biên giới dài trên 90km, đi qua 7 xã của 3 huyện với 10 dân tộc anh em sinh sống, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Cùng với các lực lượng chức năng, các già làng trên tuyến biên giới đã và đang phát huy được vai trò của mình. Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, bảo vệ và phát triển vững chắc vùng phên dậu của Tổ quốc.

Ước tính dọc theo tuyến biên giới của tỉnh Gia Lai hiện có hơn 40 già làng có uy tín trong nhiều lĩnh vực. Họ chính là những tấm gương sáng để con cháu, dòng họ và quần chúng nhân dân noi theo. Đặc biệt là trong công tác tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, các hoạt động vi phạm quy chế biên giới, thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, các hoạt động tự quản về an ninh trật tự, tổ hòa giải, phòng chống vượt biên trái phép.

Già làng Siu Phyin: “Muốn đồng bào nghe theo, mình phải noi gương làm trước”.
Già làng Siu Phyin: “Muốn đồng bào nghe theo, mình phải noi gương làm trước”.

Bao năm qua, già làng Siu Phyin đã làm điểm tựa vững chắc cho đồng bào Gia Rai ở làng Gòong, xã biên giới Ia Púch, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Già Siu Phyin không chỉ giúp dân hiểu đúng để không bị những kẻ xấu lợi dụng, xúi giục; xua đi những hủ tục lạc hậu lâu đời mà còn là trung tâm hòa giải những mẫu thuẫn trong làng.

Già Siu Phyin bảo, trước đây bà con trong làng còn nhiều tập tục lạc hậu, dễ bị kẻ xấu dụ dỗ làm điều sai trái ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự. Già hiểu rõ cuộc sống, con người của người dân nơi đây nên rất sâu sát, gần gũi với bà con.

“Muốn nói để người ta nghe mình phải hiểu hoàn cảnh từng gia đình, hiểu tính từng người, biết họ cần gì, khéo léo động viên thì mới uốn nắn được tư tưởng của họ. “Mưa dầm thấm lâu”, khi người dân hiểu đúng, hiểu đủ về pháp luật thì tình hình an ninh trật tự trong làng luôn ổn định”, già Siu Phyin tâm sự.

Để làm được như vậy, già thường xuyên cập nhật thông tin trên báo, trên đài và xem ti vi để nắm bắt những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để vận động, tuyên truyền, hướng dẫn bà con. Mình hiểu biết, “nói có sách mách có chứng” người ta mới tâm phục mà nghe theo.

Già Ksor H’Blâm – Điểm tựa tinh thần của đồng bào ở làng Krông.
Già Ksor H’Blâm – Điểm tựa tinh thần của đồng bào ở làng Krông.

“Muốn đồng bào tin phục, trước hết bản thân mình phải noi gương, đi đầu”. Đó cũng là cách làm, là “kim chỉ nam” của già Ksor H’Blâm, ở làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia La.

Dù ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng già H’Blâm vẫn thường xuyên cùng Bộ đội Biên phòng đi cả chục cây số đường rừng để tuần tra bảo vệ cột mốc biên giới, bảo vệ chủ quyền, tuyên truyền người dân không được vượt biên. Mỗi lần đi tuyên truyền, già H’Blâm luôn giải thích cặn kẽ cho dân làng hiểu, không nghe lời kẻ xấu mà vượt biên trái phép hay buôn bán các chất trái phép qua biên giới.

Đồng thời, hưởng ứng chủ trương của Ðảng, Nhà nước về công tác xóa đói, giảm nghèo, già H’Blâm luôn tiên phong trong phong trào xây dựng nếp sống văn minh, đổi mới phương thức sản xuất. “Trước kia, trình độ dân trí của đồng bào còn thấp, có nhiều tập tục lạc hậu và cả mê tín dị đoan nữa. Người dân chỉ tin vào sự phù hộ của Yàng, bệnh tật thì chữa bằng cúng ma. Nhiều người nghe kẻ xấu dụ dỗ vượt biên trái phép…”, già H’Blâm tâm sự.

Không đành lòng nhìn bà con mình mãi mê muội và đói khổ, già H’Blâm đã tận tình tuyên truyền người dân từ chuyện bảo vệ chủ quyền đến bày cho bà con cách làm ăn phát triển kinh tế. Đối với những hộ gia đình khó khăn, già tìm mọi cách giúp đỡ để họ vươn lên, khi thì hỗ trợ gạo, lúc cho mắm muối, nhiều nhà còn được già cho cả bò để nuôi. Với sự chân thành, giản dị, gương mẫu, uy tín của già ngày được nâng cao và hiệu quả vận động, tuyên truyền trong bảo vệ biên giới càng lớn.

Già làng H’Lâm cho biết: “Cái thời xã Ia Mơr chưa có đường giao thông, chưa có trạm y tế, cả 4 ngôi làng còn khó khăn, mình suốt ngày tất bật công việc. Ban ngày hết tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu, lại quay sang xóa đói giảm nghèo, vận động chị em tương trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Còn đêm đến không ở làng Krông thì mình có mặt ở làng Klả, không sang làng Núp thì quay về làng Khôi. Ai đau ốm, đói no, sướng khổ gì cũng gọi mình.

Vì mình là già làng, lại là phụ nữ nên bất kỳ chuyện gì chị em cũng đều tìm đến mình nhờ giúp đỡ. Chỉ riêng khoản sinh đẻ không thôi đã phải chạy cả ngày, cả đêm rồi. Cũng may hồi ở chiến khu, mình học lỏm được “chút y tá” nên giờ đây biết làm việc. Ở xã này đã biết bao ca sinh khó qua tay mình, giờ nhớ không hết được, bao nhiêu đứa trẻ vì hủ tục lạc hậu, mình không đến cứu giúp thì dân làng cũng cho theo chân những người mẹ xấu số “để mẹ nó cho bú và nuôi nó...”.

Nhiều già làng trên cả nước đã và đang đóng góp công sức cho việc giữ gìn đường biên, cột mốc.
Nhiều già làng trên cả nước đã và đang đóng góp công sức cho việc giữ gìn đường biên, cột mốc.

Tích cực bảo vệ đường biên, cột mốc

Dù đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng già Hồ Thanh Bình, ở khóm Ka Tăng (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) vẫn luôn nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc của mình. Với vai trò là già làng, Trưởng Ban công tác Mặt trận khóm Ka Tăng, già Bình thường trăn trở tìm mọi cách để làm cho bản làng ngày thêm đổi mới, phát triển; người dân có cuộc sống ấm no, cùng nhau bảo vệ rừng, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; đặc biệt là tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội nơi vùng biên giới Việt - Lào.

Khóm Ka Tăng có vị trí nằm sát ngay Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Nhìn chung, trình độ văn hóa và nhận thức của người dân ở đây còn nhiều hạn chế, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy, lối sống tự cung tự cấp, đời sống bấp bênh nên dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo dẫn đến vi phạm pháp luật như buôn bán, vận chuyển ma túy, vận chuyển vật liệu nổ trái phép, xâm canh, xâm cư sang đất bạn Lào...

Đó thực sự là những khó khăn, thử thách bản lĩnh của vị già làng Hồ Thanh Bình. Với phẩm chất nói đi đôi với làm, nêu gương làm việc tốt để người dân nghe theo, già Bình phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong khóm tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”.

Để tạo được niềm tin với bà con, trong các đợt tuyên truyền của Bộ đội Biên phòng, già Bình đều có mặt từ sớm, phát huy trách nhiệm, uy tín của mình để vận động người dân tích cực tham gia phong trào tự quản đường biên, cột mốc và đảm bảo an toàn trật tự khóm, bản khu vực biên giới. Nhờ thế, các hộ gia đình trong khóm đã hăng hái phối hợp tham gia cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên tổ chức tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vụ việc gây mất trật tự, luôn cảnh giác trước mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.

Phát huy hiệu quả mô hình quần chúng nhân dân tích cực đấu tranh tố giác tội phạm, già Bình và người dân đã kịp thời cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị cho Bộ đội Biên phòng, Công an và các cơ quan chức năng phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Già cũng thường xuyên tham gia hòa giải thành công nhiều vụ tranh chấp đất đai, phá rừng phòng hộ phức tạp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới; vận động hàng chục hộ gia đình đến khu tái định cư để giao đất thực hiện dự án mở rộng cụm Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.

Đặc biệt trong thực hiện đề án kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới, bản Ka Tăng (Việt Nam) và cụm bản Đen sa vẳn (Lào) được chọn làm điểm, già Bình đã tích cực vận động nhân dân hai bên biên giới chấp hành nghiêm các nội dung trong quy chế kết nghĩa, tham mưu UBND thị trấn duy trì nghiêm túc chế độ giao ban.

Qua thực hiện các nội dung kết nghĩa, việc chấp hành các hiệp định, hiệp nghị về biên giới quốc gia Việt Nam - Lào được nhân dân hai bên cam kết và chấp hành, thực hiện tốt. Tình trạng xâm canh, xâm cư, lấy vợ, lấy chồng hai bên biên giới trái phép, chăn thả rông gia súc giảm rõ rệt.

Không những làm tốt vai trò của mình trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, già Bình còn gần gũi, hướng dẫn người dân hăng hái thi đua sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế gia đình, kinh tế trang trại để ổn định đời sống, tăng thu nhập như trồng rừng, chuối, sắn, nuôi cá, kinh doanh đúng pháp luật và kiên quyết không tiếp tay cũng như buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả qua biên giới.

Ngoài ra, nhắc đến già làng Hồ Thanh Bình, mọi người còn biết đến là người tiên phong thành lập Câu lạc bộ cồng chiêng của bản để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều. Hiện nay Câu lạc bộ có 24 thành viên, thường xuyên duy trì hoạt động, đã sắm được nhạc cụ, trang phục và tham gia nhiều chương trình biểu diễn tại các lễ hội của khóm bản, các hội diễn văn nghệ đạt nhiều giải thưởng...

Có thể nói, dù tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số như già Siu Phyin, già Ksor H’Blâm, già Hồ Thanh Bình... vẫn phát huy tốt vai trò của mình, vận động người dân xóa bỏ hủ tục, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, bảo vệ đường biên, cột mốc. Họ như những cây đại thụ lặng thầm tỏa bóng và đóng góp công sức cho vùng phên dậu của Tổ quốc thêm vững vàng.

Đà Giang