Hà Giang: Tập trung mọi nguồn lực để người dân giảm nghèo bền vững

Hà Giang: Tập trung mọi nguồn lực để người dân giảm nghèo bền vững

(DTTG) Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của cấp ủy, chính quyền địa phương, những năm qua, tỉnh Hà Giang đã lồng ghép các chương trình, đề án và huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân giảm nghèo hiệu quả.

Đăng bởi Thu Trang   Thứ ba, 18/10/2022 03:11
Mô hình chăn nuôi bò của hộ dân tại xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ)
Mô hình chăn nuôi bò của hộ dân tại xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ)

Nhiều năm nay, tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững. Cơ sở hạ tầng được đầu tư. Đời sống nhân dân được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm. Từ thực tế cho thấy, việc triển khai công tác giảm nghèo đã thu được những kết quả đáng kể, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức cán bộ và nhân dân. Các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm bố trí ngân sách và tổ chức thực hiện, nhất là chính sách hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo, đã giúp người nghèo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản và các thành tựu phát triển KT-XH.

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KT-XH được cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị trong tỉnh quan tâm thực hiện. Cấp ủy, chính quyền và người dân đã triển khai hiệu quả nguồn đầu tư của Nhà nước, phát huy nội lực khai thác tiềm năng, lợi thế, thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ các nguồn lực ngân sách và ngoài xã hội, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi được đầu tư, đời sống nhân dân chuyển đổi mạnh mẽ. Chất lượng đời sống người dân không ngừng được cải thiện.

Cán bộ xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) kiểm tra việc hỗ trợ trâu sinh sản cho hộ nghèo tại thôn Bản Chiều
Cán bộ xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) kiểm tra việc hỗ trợ trâu sinh sản cho hộ nghèo tại thôn Bản Chiều

Thực hiện chủ trương, chính sách giảm nghèo của T.Ư, tỉnh Hà Giang đã lồng ghép huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng vùng khó khăn; đầu tư hỗ trợ khoa học kỹ thuật, giống, vốn giúp người dân phát triển sản xuất gắn với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. UBND tỉnh Hà Giang đã phân công các cơ quan, đơn vị giúp đỡ các xã nghèo mang lại hiệu quả thiết thực. Cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt, đầy đủ, kịp thời chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo về tín dụng ưu đãi, y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, hướng dẫn cách làm ăn; hỗ trợ sinh kế, trợ giúp pháp lý, bảo trợ xã hội. Tổ chức tốt các hoạt động truyền thông, thông tin về giảm nghèo nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”...

Cùng với đó, thị trường lao động được kết nối, mở rộng, công tác tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm và kết nối cung, cầu lao động được đẩy mạnh, số lao động được giải quyết việc làm tăng 36,28% so với cùng kỳ năm 2021. Ước 6 tháng đầu năm, đã cho vay hỗ trợ tạo việc làm với số tiền 90 tỷ đồng, đạt 112,5% kế hoạch; toàn tỉnh giải quyết được việc làm cho trên 15.300 lao động, đạt 89,35% kế hoạch.

Về việc triển khai hỗ trợ nguồn vốn cho các hộ nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay 13 chương trình tín dụng cho hộ nghèo và hộ chính sách. Trong 6 tháng đầu năm đã giải quyết cho 10.900 lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt 569,83 tỷ đồng về phát triển kinh tế gia đình và đi lao động. Thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ đã có 1.394 hộ nghèo và cận nghèo trên toàn tỉnh tham gia cải tạo vườn tạp, đạt 97,3% kế hoạch. Trong đó, có 1.006 hộ đã được hỗ trợ vốn vay để cải tạo vườn tạp, với tổng số tiền 29.804,7 triệu đồng, bước đầu góp phần tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo.

Năm 2022, tỉnh Hà Giang đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 42,08% xuống còn 39%; tương đương với giảm 5.700 hộ nghèo. Để thực hiện có hiệu quả và phấn đấu đạt được chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, tỉnh xác định cần tập trung hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, phát triển nông, lâm nghiệp bền vững từ các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022.

Người dân xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang) vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi bò
Người dân xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang) vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi bò

Tập trung thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững; giúp người dân, nhất là người nghèo, người mới thoát nghèo cải thiện năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu thập, theo hướng chú trọng các sản phẩm đặc hữu gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (chè, cam, bò, mật ong...), vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là một số cây trồng có giá trị cao trong xuất khẩu phù hợp với thổ nhưỡng. Tập trung nguồn lực tài chính, nhân lực, khoa học công nghệ vào phát triển 5 cây (cây ăn quả ôn đới, chè shan tuyết, dược liệu, lúa đặc sản chất lượng cao, tam giác mạch) và 3 con (bò vàng, lợn đen, mật ong bạc hà).

Tập trung xây dựng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với những sản phẩm du lịch mang tính đặc hữu, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, bảo tồn và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và các di sản văn hoá cấp quốc gia. Tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia vay và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là vốn vay tín dụng ưu đãi, gắn với hướng dẫn phương thức sản xuất, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất… để giúp các hộ nghèo có nguồn lực thoát nghèo bền vững.

Hiện nay, UBND tỉnh Hà Giang đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững, trong đó tiếp tục lồng ghép huy động các nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH vùng khó khăn, thu hút đầu tư, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân...

Thu Trang

  • ma code

CƠ QUAN CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Giấy phép số: 226/GP-BTTTT ngày 30 tháng 6 năm 2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
Tổng Biên tập: TRẦN ĐỨC VINH
Trụ sở Tòa soạn: 262 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội ĐT: 024.3824.7204 - 0243.7379.192
Bản quyền thuộc về Báo Công lý. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.


Liên hệ Tòa soạn:
ĐT: 0243.9360.062 - 0243.7379.192
Email: phapluatdttg@gmail.com
Hotline: 0243.7379.192